Chuyện học, chuyện nghề ngành Quản trị Khách sạn

Ngành Quản trị Khách sạn không còn là khái niệm quá xa lạ đối với học sinh – sinh viên trong những năm gần đây. Được xem là ngành công nghiệp không khói có tính định hướng cao và thu nhập hấp dẫn, ngành Quản trị Khách sạn mỗi năm đều thu hút một lượng lớn sinh viên tìm hiểu và lựa chọn du học tại nhiều quốc gia trên thế giới.

1. Ngành Quản trị Khách sạn là gì?

Quản trị Khách sạn (Hotel Management) là đào tạo về cách quản lý và tổ chức hệ thống hoạt động của khách sạn hợp lý, đồng thời mang lại hiệu quả về danh tiếng và lợi nhuận. Khi học ngành Quản trị Khách sạn, sinh viên sẽ được học kiến thức về nhà hàng khách sạn như quản lý hệ thống phòng, quản lý nhân viên, giao tiếp với khách hàng, chuẩn bị sự kiện, giải quyết rủi ro, đặc biệt am hiểu về rượu và các loại thực phẩm phổ biến tại khách sạn. Hơn nữa bạn có hiểu biết sâu rộng về nhiều văn hóa khác nhau của nhiều vùng miền cũng như các quốc gia trên thế giới.

2. Các môn học trong chương trình đào tạo?

Nhìn chung, mỗi quốc gia hay mỗi trường sẽ có thời gian và chương trình đào tạo khác nhau; tuy nhiên, các trường đại học/học viện trên thế giới thường xây dựng thời lượng đào tạo là 4 năm với những môn học chính sau:
  • Operations (Vận hành)
  • Law (Luật)
  • Food and Beverage Management (Quản trị F&B)
  • Management Communication (Quản lý truyền thông)
  • Management and Organizational Behavior (Quản lý hành vi tổ chức)
  • Human Resource Management (Quản trị nhân sự)
  • Information Systems (Hệ thống thông tin)
  • Marketing, Tourism, and Strategy (Marketing, Du lịch, và Chiến lược)
  • Properties of Development and Management (Phát triển và Quản lý bất động sản)

3. Những tố chất cần có để theo đuổi ngành Quản trị Khách sạn:

Để trở thành một nhà quản lý khách sạn với tác phong chuyên nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố, kỹ năng và kinh nghiệm. Nhưng nhìn chung, để có thể bước lên vị trí của nhà quản lý, bạn sẽ phải học hỏi và rèn luyện bản thân những điều sau:
  • Kiến thức về văn hoá – xã hội sâu rộng: việc “tiếp xúc với con người” là đặc thù của lĩnh vực khách sạn bao gồm khách hàng, đối tác, hay kể cả nhân viên đến từ các quốc gia, nền văn hoá khác nhau. Do đó, sự am hiểu của bạn về truyền thống, ẩm thực, tâm lý, hay con người của những quốc gia ấy sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều công việc và tạo được ấn tượng tốt với mọi người.
  • Khả năng ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh, sẽ là một lợi thế lớn cho bạn. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu và sử dụng thường xuyên trong đời sống hằng ngày; song song đó, khách hàng của bạn đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nên với vốn tiếng Anh tốt, bạn vừa có thể phục vụ khách hàng tốt hơn, vừa tạo nên sự chuyên nghiệp cũng như tạo lợi thế phát triển cho chính bản thân.
  • Giao tiếp khéo léo, sắp xếp công việc tốt, tư duy nhạy bén. Quản trị Khách sạn là nhóm ngành phải giao tiếp thường xuyên; do đó, một chút khéo léo, hiểu biết các quy trình sẽ giúp bạn dễ dàng thảo luận, đàm phán, thuyết trình về các dự án đối với khách hàng, xử lý khủng hoàng truyền thông v.v… Đồng thời, sự nhạy bén trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh ngoài ý muốn giúp bạn xử lý nhanh và chuyên nghiệp.

4. Triển vọng nghề nghiệp:

Trên thế giới, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra 266 triệu việc làm và đóng góp đến 9,5% vào GDP toàn cầu. Sự tăng trưởng đáng kể này gắn liền với tiềm năng lớn về cơ hội việc làm trong ngành. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Khách sạn với nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc có thể ứng tuyển vào các vị trí khác nhau – tuỳ theo định hướng của mỗi cá nhân – từ các doanh nghiệp, khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 3 – 5 sao như Front Office (tiền sảnh): lễ tân, thu ngân, đặt phòng, hướng dẫn khách hàng hay Back Office (văn phòng): tài chính – kế toán, hành chính – nhân sự, marketing v.v… Bên cạnh đó, chương trình thực tập là một trong những cơ hội vàng cho sinh viên trong việc tìm kiếm công việc phù hợp với năng lực và môi trường làm việc mà bản thân mong muốn. Đặc biệt, tinh thần cầu tiến, kỷ luật, và ham học hỏi sẽ là điểm cộng giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nơi bạn thực tập, và cơ hội việc làm rộng mở đôi khi từ những hành động nhỏ.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị Khách sạn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các tập đoàn khách sạn và nghĩ dưỡng trong và ngoài nước với mức thu nhập hấp dẫn dựa trên trình độ chuyên môn.

5. Những khó khăn đặc thù:

Ngành Quản trị Khách sạn tuy mang đến môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ hội làm việc với các đối tác, khách hàng, và cộng sự đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, mức thu nhập hấp dẫn; thế nhưng vẫn có những khó khăn đặc thù mà chỉ người trong nghề mới biết.
  • Bước chân vào ngành Khách sạn, bạn sẽ phải sẵn sàng tinh thần tuân thủ lịch làm việc không cố định theo giờ hành chính – tùy vào lịch sắp xếp của trưởng bộ phận – để đảm bảo nhân sự phục vụ cho khách tại khách sạn 24/7. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt và cuộc sống riêng tư rất nhiều.
  • Cân bằng cảm xúc là bài học mang nhiều thử thách trong ngành Quản trị Khách sạn. Với tính chất công việc là giao tiếp liên tục, yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu; do đó, thái độ phục vụ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc giữ cảm xúc được cân bằng trong lời nói và hành động – dù trong bất cứ tình huống nào – là yếu tố để khiến khách hàng sẵn sàng quay lại với khách sạn, đồng thời thể hiện phong thái chuyên nghiệp của bạn.
  • Áp lực nghề nghiệp là điều tất yếu khi bước chân vào lĩnh vực khách sạn. Với các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, mức độ áp lực công việc sẽ tăng lên rất nhiều lần, đặc biệt là ở vị trí quản lý. Người quản lý phải có cái nhìn bao quát, nắm bắt công việc, theo dõi tiến độ, và kiểm tra sát sao để hệ thống không mắc bất cứ sai lầm nào trong việc phục vụ khách hàng; việc này kéo theo những rủi ro về sức khỏe và tâm lý.
  • Trau đồi kiến thức và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thường xuyên là điều cần thiết để không bị đào thải. Dưới sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ 4.0, cộng với tính chất môi trường cạnh tranh bởi sự thay đổi liên tục của ngành dịch vụ, việc nâng cấp trình độ và kỹ năng chuyên môn là điều tất yếu để đáp ứng các nhiệm vụ và chiến lược mà doanh nghiệp đề ra.

6. Du học Quản trị Khách sạn tại HTMi, Thuỵ Sĩ:

Thuỵ Sĩ được biết đến là cái nôi đào tạo của ngành dịch vụ, đặc biệt là Quản trị Khách sạn. Một trong những ngôi trường mà sinh viên Việt Nam thường lựa chọn học tập khi đến với Thuỵ Sĩ chính là HTMi. Hệ thống đào tạo tại HTMi vô cùng đa dạng, nhiều cấp độ, tuỳ thuộc vào nhu cầu và định hướng của sinh viên. Hơn hết, bằng cấp của HTMi đều có giá trị quốc tế vì được Uỷ Ban Chứng nhận Anh quốc (British Acreditation Council) và tổ chức quản lí chất lượng EDUQUA của chính phủ Thuỵ Sĩ công nhận. Điểm đặc biệt tại HTMi chính là sinh viên sau khi kết thúc khoá học sẽ được nhận hai bằng – một từ Đại học Ulster cấp, và bằng thứ hai do HTMi cấp. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội săn học bổng và được thực tập tại Mỹ và Dubai.
Gấp/Mở
Dark Mode

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

OUR COMMITMENT IS QUALITY & TRUST
Follow us:

DANH SÁCH CHI NHÁNH

Vinhomes Central Park, Q. Bình Thạnh, TP HCM

Citibella P. Cát Lái, TP Thủ Đức

162 Ngư Ông, P Lạc Đạo, TP Phan Thiết